QUAN HỆ  VIỆT NAM – ĐAN MẠCH:

1. Quan hệ chính trị:

Đan Mạch là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (ngày 25/11/1971) và cũng là nơi có phong trào nhân dân ủng hộ mạnh mẽ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Đan Mạch lập Đại sứ quán tại Hà Nội ngày 12/05/1980 và Tổng Lãnh sự quán tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 01/04/1994.

Việt Nam lập Đại sứ quán tại Copenhagen ngày 12/08/2000 (kiêm nhiệm Ai-xơ-len).

Trao đổi đoàn cấp cao:

- Phía Việt Nam thăm Đan Mạch:

Thủ tướng: Phạm Văn Đồng (tháng 6/1977), Võ Văn Kiệt (tháng 6/1995), Phan Văn Khải (tháng 9/1999), Nguyễn Tấn Dũng (tháng 9/2009); Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (tháng 9/1998); Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn Yểu (tháng 10/2002) và Nguyễn Đức Kiên (tháng 4/2008), các Phó Thủ tướng : Trần Đức Lương (tháng 7/1992), Nguyễn Mạnh Cầm (tháng 11/2001), Vũ Khoan (tháng 11/2004), Nguyễn Sinh Hùng (tháng 6/2008).

- Phía Đan Mạch thăm Việt Nam:

Hoàng thân Đan Mạch (tháng 9/2003), Chủ tịch Quốc hội (tháng 9/1995), Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Bendt Bendtsen (tháng 9/2006); Nữ hoàng Đan Mạch Magrethe II (tháng 11/2009), Thái tử kế vị Đan Mạch (11/2011); Chủ tịch Quốc hội Đan Mạch (tháng 3/2012).

2. Quan hệ hợp tác kinh tế:

a. Thương mại

Các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Đan Mạch gồm dệt may, giầy dép, đồ gỗ, hàng kim khí, thủ công mỹ nghệ, thiết bị điện, cà phê…và nhập chủ yếu là thiết bị điện, hoá chất, sản phẩm cơ khí, dụng cụ cắt gọt, sản phẩm sữa, nguyên liệu thô …

b. Đầu tư

Đan Mạch là một trong số các nước Bắc Âu sớm đầu tư vào Việt Nam. Tính đến ngày 25/10/2011, Đan Mạch có 92 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 622,9 triệu USD, đứng thứ 25 trong tổng số 93 nước, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam và đứng thứ 7 trong số các nước EU đầu tư vào Việt Nam.

Quy mô vốn đầu tư bình quân của một dự án đạt 6,8 triệu USD, thấp hơn mức trung bình của cả nước; các dự án của Đan Mạch thuộc loại nhỏ và vừa, ngoại trừ 01 dự án xây dựng cảng Cái Mép (vốn đầu tư 286,6 triệu và 02 dự án sản xuất bia (bia Đông Nam Á vốn đầu tư 79,6 triệu USD và bia Huế vốn đầu tư 48,6 triệu USD).

Các doanh nghiệp của Đan Mạch đầu tư chủ yếu theo hình thức liên doanh với 44 dự án có tổng vốn đầu tư 433,5 triệu USD; doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài với 41 dự án có tổng vốn đầu tư 160,2 triệu USD và các doanh nghiệp theo hình thức công ty cổ phần và hình thức BOT, BT, BTO. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là: vận tải kho bãi (9 dự án); công nghiệp chế biến, chế tạo (32 dự án); bán buôn, bán lẻ (7 dự án) và hoạt động chuyên môn khoa học, kinh doanh bất động sản.

Các dự án đầu tư của Đan Mạch tập trung tại các địa phương có cơ sở hạ tầng tốt, có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Bà Rịa Vũng Tàu (5 dự án với tổng vốn đầu tư 286 triệu USD); Hà Nội (35 dự án với tổng vốn đầu tư 142,8 triệu USD) và Tp. Hồ Chí Minh (31 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 63,5 triệu USD).

Về đầu tư của Việt Nam sang Đan Mạch: hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chưa có dự án đầu tư vào Đan Mạch.

3. Hợp tác phát triển (HTPT)

Đan Mạch là một trong những nước Tây Âu sớm cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam và hiện nay thuộc vào nhóm các nước cung cấp nhiều vốn ODA không hoàn lại nhất cho Việt Nam.

Kể từ năm 1972 đến nay, Đan Mạch đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng hơn 1 tỷ USD vốn ODA. Năm 2007 là 82,5triệu USD (trong đó 65,5 triệu USD cho không và 17 triệu USD vay ưu đãi). Tại Hội nghị CG (12/2007), Đan Mạch cam kết tài trợ cho ta năm 2008 là 84,4 triệu USD (tăng 2,3 % : 1,9 triệu USD so với 2007). Tại Hội nghị CG 2008, Đan Mạch cam kết viện trợ cho Việt Nam 63,7 triệu USD trong năm 2009 (giảm 24,5%so với 2007). Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng toàn cầu trong năm 2009, Đan Mạch vẫn tiếp tục cam kết gia tăng viện trợ tài khóa 2010 cho Việt Nam là 67.9 triệu USD (tăng 6,59% so với năm 2008 là 63,7 triệu USD) tại hội nghị CG tổ chức tại Hà Nội tháng 12/2009. Mức cam kết tài trợ của Đan Mạch cho Việt Nam năm 2011 giảm 16,89% so với năm 2010, với mức viện trợ là 56,43 triệu USD (công bố tại hội nghị CG tháng 12/2010).

Đan Mạch cam kết cung cấp ODA cho Việt Nam đến hết năm 2015. Viện trợ phát triển của Đan Mạch thông thường tập trung vào các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, cải cách hành chính, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tài chính – ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên sau năm 2010 sẽ không duyệt thêm bất kỳ dự án ODA nào nằm trong chương trình tín dụng hỗn hợp của nước này. Phía Đan Mạch cho biết, trong thời gian từ nay cho đến năm 2015, có thể giải ngân nốt nguồn tín dụng nhưng sẽ không vào các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo hay các dự án phục vụ dân sinh (cải thiện hệ thống cấp thoát nước, nước thải, cơ sở hạ tầng v.v….) mà sẽ tập trung vào các vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, công nghệ xanh và an ninh lương thực do Việt Nam đã bước vào ngưỡng các nước có mức thu nhập trung bình.

Riêng trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), Đan Mạch cho đến nay là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam với mức tài trợ lên tới 40 triệu USD cho “Chương trình thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu” (Hai bên đã ký Hiệp định hợp tác vào tháng 12/2008 tại Hà Nội). Ngày 9/3/2011, Đại sứ Đan Mạch và Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký thỏa thuận tài trợ 45 triệu curon (tương đương với 8 triệu USD) cho chương trình nghiên cứu ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam từ 2011 đến 2013. Hiện Việt Nam là nước duy nhất ởChâu Á được Đan Mạch triển khai chương trình nghiên cứu ứng phó với BĐKH. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tháng 11/2011, hai nước đã ký kết Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, năng lượng, môi trường và tăng trưởng xanh trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thái tử kế vị Đan Mạch.

Trong lĩnh vực tư pháp, Đan Mạch đang phối hợp với Thụy Điển và EC tài trợ cho “Chương trình đối tác tư pháp” với tổng mức kinh phí lên tới 18,7 triệu Euro.

4. Giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch

Về hợp tác giáo dục, đào tạo: trong những năm qua, Đan Mạch đã tài trợ cho Việt Nam một số dự án trong lĩnh vực giáo dục đào tạo như: dự án "Giáo dục môi trường trong trường phổ thông Việt Nam”; d/a "Hợp tác giữa trường Đại học Cần Thơ và Đại học Aarhus về khoa học môi trường”; d/a "Hỗ trợ giáo dục mỹ thuật cho các trường tiểu học”. Ngày 17/9/2009, Thứ trưởng Phạm Vũ Luận đã cùng Bộ trưởng Giáo dục Đan Mạch, Bertel Haarde ký Ý định thư về hợp tác giáo dục giữa Bộ Giáo dục hai nước và trường Đại học kinh doanh Niels Brocks. Tháng 12/2010, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục và đào tạo cấp Bộ.

Về hợp tác văn hóa: Từ năm 1999 Đan Mạch bắt đầu viện trợ cho lĩnh vực văn hóa tại Việt Nam thông qua Quỹ phát triển, hợp tác và trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và Đan Mạch (gọi tắt là Quỹ Văn hóa Việt Nam - Đan Mạch) nhằmtài trợ cho các dự án nhỏ của Việt Nam trong các lĩnh vực bảo tồn di sản, xuất bản, giao lưu văn hóa, hỗ trợ nghệ sỹ ... Từ năm 1999 - 2005, Đan Mạch đã hỗ trợ 3 triệu DKK cho Quỹ. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Nữ hoàng Đan Mạch (11/2009), hai bên đã ký bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật giai đoạn 2009-2014. Ngày 28/10/2011, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Hiệp định dự án “Chương trình hợp tác phát triển Việt Nam – Đan Mạch về lĩnh vực văn hóa cho giai đoạn 2011-2015” do Đan Mạch tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam.

Năm 2006, Đan Mạch thông qua Chiến lược quốc gia về hợp tác phát triển của Đan Mạch đối với Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010, trong đó có chiến lược cụ thể về hỗ trợ văn hóa Việt Nam nhằm thúc đẩy sự sáng tạo, khả năng tiếp cận và sự tham gia của người dân vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Trong khuôn khổ chiến lược này, Đan Mạch đưa ra 7 dự án với tổng giá trị hỗ trợ là 13.895.000 DKK, gồm Quỹ Văn hóa Vùng và Dân tộc Thiểu số (2 triệu DKK); Quỹ Giao lưu văn hoá (3 triệu DKK); Dự án “Đối thoại giữa các nhà quản lý và hoạch định chính sách văn hoá” (960.000 DKK); Dự án Giáo dục Nghệ thuật (3,4 triệu DKK); Dự án “Văn học thiếu nhi” (1,9 triệu DKK); Dự án “Không gian Nghệ thuật” (1,8 triệu DKK) và Dự án “Quản lý các sự kiện nghệ thuật” (750.000 DKK).

Từ khi triển khai chiến lược văn hóa tại Việt Nam, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật giữa hai nước diễn ra ngày càng sôi động với nhiều sự kiện, chương trình văn hóa như Cuộc thi tài năng âm nhạc 2006; Tài năng múa đương đại 2007; Tài năng nghệ thuật trình diễn 2008; Tuần lễ hoạt động ngoại giao Đan Mạch tại Việt Năm 2007 v.v..

Về du lịch: Từ năm 2005, Việt Nam đã đơn phương miễn thị thực cho công dân Đan Mạch du lịch Việt Nam trong vòng 15 ngày. Năm 2007, Việt Nam đón 21.138 lượt khách Đan Mạch, tăng 17,1% so với năm 2006.

5. Cộng đồng người Việt tại Đan Mạch

Tại Đan Mạch hiện có khoảng 12.000 người Việt Nam, đến theo nhiều đợt (trước và sau 1975, thuyền nhân, từ Nga và Đông Âu sang từ những năm 90 và đoàn tụ gia đình), là cộng đồng khá ổn định so với Na Uy và Ai-xơ-len. Do hoàn cảnh ra đi khác nhau, trừ những Việt kiều nòng cốt, có quan hệ tốt với Đại sứ quán, đã nhiều lần về thăm thân hoặc làm ăn với trong nước, một số đông vẫn còn dè dặt, giữ khoảng cách, do những mặc cảm trước đây không dễ xóa bỏ.

​Người Việt tại Đan Mạch đa số buôn bán nhỏ, mở nhà hàng hoặc công nhân (thế hệ I). Một số do không biết tiếng địa phương hoặc nhiều tuổi nên sống nhờ trợ cấp xã hội. Việt kiều thế hệ II, III  nhiều người tốt nghiệp đại học, thạc sỹ, tiến sỹ, có việc làm và cuộc sống ổn định. Nhìn chung, cộng đồng người Việt Nam tại Đan Mạch có cuộc sống ổn định, hòa nhập, cần cù, chăm chỉ làm việc, tôn trọng luật pháp sở tại. Bà con vẫn theo dõi tình hình trong nước và phấn khởi về thành tựu đổi mới, về chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài.


  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​